SỐT XUẤT HUYẾT: NGUYÊN NHÂN – TRIỆU CHỨNG 

VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Sốt xuất huyết từ lâu đã là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, đến hiện nay căn bệnh này vẫn được đánh giá là rất nguy hiểm. Bệnh sốt xuất huyết thường diễn ra theo mùa và phức tạp nhất là vào mùa mưa. Dưới bài viết là những thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị của căn bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện vào mùa mưa. Là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người nhiễm bệnh sang người khoẻ mạnh. Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Sau khi hút máu của người nhiễm mầm bệnh, virus sẽ nằm dưới tuyến nước bọt của muỗi và ủ bệnh trong khoảng 10 – 12 ngày. Trong thời gian đó, muỗi liên tục đổi vật chủ đốt tạo thành dịch.

Được đánh giá là bệnh truyền nhiễm cấp tính, sốt xuất huyết không chỉ gây mệt mỏi, xuống sức nhanh chóng, mà còn khiến người bệnh đau nhức trầm trọng ở các cơ và khớp. Trong trường hợp nặng, bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn tới tử vong.

2. Ai có thể nhiễm bệnh sốt xuất huyết?

Bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Nhất là trẻ em thì càng dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch còn yếu.

Người từng bị sốt xuất huyết sẽ miễn nhiễm với chủng huyết thanh đã mắc trước đây. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên chủ quan vì bệnh hoàn toàn có thể tái nhiễm nặng hơn vì mắc 1 trong 3 chủng còn lại.

3. Đặc điểm nhận dạng muỗi gây sốt xuất huyết

Có 2 loại muỗi thuộc họ Adeles có khả năng gây sốt huyết là Aedes albopictus và Aedes aegypti. Muỗi Aedes aegypti có tỉ lệ gây bệnh cao hơn.

Đặc điểm nhận dạng của muỗi gây sốt xuất huyết

Aedes aegypti thường sống và phát triển ở nơi ánh sáng yếu, có nước đọng lâu ngày. Loài muỗi này chiều dài khoảng 4 – 7 mm, có màu đen sẫm, lưng vằn trắng, đốm trắng trên chân và thân. Đặc biệt, trứng của chúng có thể tồn tại cả năm trong điều kiện rất khô, nhưng ngay khi gặp môi trường nước, trứng vẫn sẽ nở ngay lập tức.

4. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Người bị nhiễm virus Dengue có thể ủ bệnh từ 3 – 14 ngày. Sau đó mới xuất hiện các triệu chứng:

  • Sốt cao đột ngột trên 38°C.
  • Đau đầu nặng và cảm giác mệt mỏi.
  • Đau cơ và khớp, gây khó chịu và giới hạn chuyển động.
  • Gây tổn thương mạch máu, xuất hiện tím tái trên da, chảy máu chân răng, chảy máu chân tay và chảy máu cam.
  • Luôn cảm thấy uể oải, kiệt quệ năng lượng.
  • Trường hợp nặng có thể gây chảy máu nội tạng, gây ra các triệu chứng như nôn ói có máu, nước tiểu có máu, chảy máu tiêu hóa…
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

5. Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng tới nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị theo triệu chứng. 

Đối với người lớn bị sốt xuất huyết nhẹ

Với triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà theo liệu trình chỉ định của bác sĩ. Thời gian điều trị trong khoảng 10 ngày tính từ ngày đầu tiên bị sốt.

  • Khi tự điều trị, người nhà cần chăm sóc kỹ lưỡng & để ý tới bệnh nhân. 
  • Bệnh nhân nên nghỉ dưỡng tại giường, uống nhiều nước và bổ sung vitamin từ trái cây.
  • Tránh tự đi lại 1 mình hoặc vận động mạnh vì cơ thể yếu rất dễ gây choáng váng.
  • Có thể hạ sốt bằng thuốc Paracetamol, tuy nhiên cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

Đối với người lớn bị sốt xuất huyết nặng và trẻ em 

Cần cho người bệnh hạ sốt bằng thuốc Paracetamol, sau đó đưa ngay tới các cơ sở y tế để các bác sĩ có chuyên môn lên phác đồ theo dõi và điều trị.

Lưu ý: khi bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được cho người bệnh uống các loại thuốc có hoạt chất Aspirin – Analgin – Ibuprofen, các chất này có thể làm xuất huyết khiến bệnh trở nên nặng hơn.

Người bị sốt xuất huyết cần có phương pháp điều trị hợp lý

6. Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Mọi người thường nghĩ muỗi sốt xuất huyết sẽ xuất hiện vào buổi tối, nhưng thực tế thì không phải vậy. Muỗi Aedes aegypti hoạt động mạnh nhất vào ban ngày, khoảng 2 giờ sau khi mặt trời mọc cho đến tầm xế chiều.

Cách hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết là diệt trừ môi trường sinh sôi và phát triển của muỗi gây bệnh.

  • Vệ sinh các nơi bị đọng nước như xô, chậu hoa, nước không sử dụng.
  • Đậy kín các bể chứa nước sinh hoạt tránh sự sinh sôi của loăng quăng.
  • Phát quang bụi rậm, ngủ trong màn ngay cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
  • Tăng cường giáo dục cộng đồng về sốt xuất huyết, các biện pháp phòng ngừa và nhận biết triệu chứng. 
  • Tiêm phòng vaccine ngừa sốt xuất huyết…

Sốt xuất huyết không chỉ gây phát bệnh tức thì, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sau này. Bài viết là những thông tin về bệnh sốt xuất huyết, hy vọng có thể giúp bạn hạn chế và phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Để tìm hiểu và nắm rõ thông tin chi tiết hơn, bạn có thể tham khảo 2 link dưới đây:

http://Thongtin.medinet.org.vn

https://medinet.hochiminhcity.gov.vn/